Chuyển đổi số và số hoá, mục tiêu và định hướng chuyển đổi số trong Thư viện

Khi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 bùng nổ, cụ từ “chuyển đổi số” và “số hoá” được nhắc đến rất nhiều trên tất cả các lĩnh vực đời sống. Tuy nhiên, nhiều lúc vẫn có nhầm lẫn giữa hai khái niệm này. Vậy cụ thể, “Chuyển đổi số” và “Số hoá” khác nhau như thế nào và mục tiêu, định hướng chuyển đổi số trong thư viện tại Việt Nam sắp tới sẽ ra sao? Kính mời quý bạn đọc theo dõi thông tin bài viết dưới đây.

Số hoá

“Số hóa” (Digitization) là quá trình chuyển đổi các hệ thống thường sang hệ thống kỹ thuật số trong đó thông tin được tổ chức thành các bit và byte (chẳng hạn như chuyển từ tài liệu dạng giấy sang các file mềm trên máy tính, số hóa truyền hình chuyển từ phát sóng analog sang phát sóng kỹ thuật số…). Khi số hoá, dữ liệu không bị thay đổi – nó chỉ đơn giản được mã hóa theo định dạng kỹ thuật số. Số hóa là một trong những bước đầu của quá trình chuyển đổi số.

– Số hóa dữ liệu: Là quá trình chuyển đổi dữ liệu từ dạng analog sang định dạng kỹ thuật.

– Số hóa quy trình: Đây là quá trình xử lý dữ liệu giúp đơn giản hoá và tự động hóa quy trình.

 

Chuyển đổi số

“Chuyển đổi số” (Digital Transformation) là sự chuyển đổi toàn diện của mô hình và tổ chức bằng các thông tin kỹ thuật số. Cụ thể, nó là việc ứng dụng công nghệ số (digitalize) vào tất cả khía cạnh của một tổ chức, doanh nghiệp. Khi đạt hiệu quả, hoạt động này sẽ thay đổi toàn diện (transformation) cách thức mà một doanh nghiệp hoạt động, tăng hiệu quả hợp tác, tối ưu hoá hiệu suất làm việc và mang lại giá trị cho khách hàng.

Chuyển đổi số ngành thư viện

Chuyển đổi số trong thư viện là việc áp dụng công nghệ thông tin, xây dựng, phát triển nền tảng số, đồng thời tích hợp, kết nối, liên thông, chia sẻ cơ sở dữ liệu mọi lúc, mọi nơi. Đồng thời, chuyển đổi số sẽ giúp xây dựng dữ liệu mở để người dân, cộng đồng, doanh nghiệp cùng tham gia, góp phần xây dựng hệ sinh thái dữ liệu mở về thư viện và mạng thông tin thư viện quốc gia. Từ đó xây dựng thành phố thông minh, và xây dựng xã hội học tập. Một ví dụ điển hình về chuyển đổi số trong thư viện đó là việc áp dụng mô hình thư viện thông minh (Smart Library).

Trong tình hình dịch bệnh như hiện nay, khi mà các thư viện phải tạm dừng phục vụ bạn đọc trực tiếp thì việc chuyển đổi số trong thư viện là xu thế tất yếu nhằm bảo đảm cung ứng dịch vụ đáp ứng nhu cầu của người sử dụng, đồng thời giúp lưu giữ tài liệu cổ, giá trị và tăng hiệu quả công việc của người làm thư viện, tạo lập cộng đồng thư viện lớn mạnh.

Ngày 11/02/2020, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quyết định Số: 206/QĐ-TTg: Quyết định Phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số ngành thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Đây là bước tiến quan trọng để Việt Nam có thể xây dựng đồng loạt mạng lưới thư viện hiện đại, thay đổi môi trường và cách thức vận hành thư viện và giúp thư viện phát huy được tối đa vai trò của mình.

Mục tiêu và định hướng chuyển đổi số trong thư viện cụ thể như sau:

1) Mục tiêu chuyển đổi số trong thư viện chủ yếu đến năm 2025

  • 100% thư viện công lập có vai trò quan trọng được Nhà nước ưu tiên đầu tư cùng với Thư viện Quốc gia Việt Nam, thư viện công cộng tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là thư viện có vai trò quan trọng) hoàn thiện và phát triển hạ tầng số, dữ liệu số, triển khai liên thông, chia sẻ tài nguyên và sản phẩm thông tin thư viện theo chức năng, nhiệm vụ, văn bản hợp tác.
  • 100% thư viện có vai trò quan trọng, thư viện công cộng tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, thư viện đại học và thư viện chuyên ngành ở trung ương có trang thông tin điện tử cung cấp dịch vụ trực tuyến, tích hợp với thành phần dữ liệu mở của Hệ tri thức Việt số hóa; 80% thư viện chuyên ngành và thư viện đại học khác, 60% thư viện cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các cơ sở giáo dục khác có trang thông tin điện tử có khả năng cung cấp dịch vụ trực tuyến trên nhiều phương tiện truy cập (trừ các dịch vụ thuộc phạm vi bí mật nhà nước và dịch vụ đọc hạn chế).
  • 70% tài liệu cổ, quý hiếm và bộ sưu tập tài liệu có giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa, khoa học do các thư viện có vai trò quan trọng thu thập và quản lý được số hóa; 70% tài liệu nội sinh, các công trình nghiên cứu khoa học do các thư viện chuyên ngành, thư viện đại học thu thập và quản lý được số hóa.
  • 100% người làm công tác thư viện được đào tạo và đào tạo lại, cập nhật các kiến thức, kỹ năng vận hành thư viện hiện đại.
  • 60% số thư viện trong cả nước trở lên được kiểm tra, quản lý thông qua hệ thống quản lý thông tin của cơ quan quản lý.

2) Định hướng chuyển đổi số trong thư viện đến năm 2030

Tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển thư viện số, thực hiện liên thông ở mọi loại hình thư viện, bảo đảm cung ứng hiệu quả dịch vụ cho người sử dụng thư viện mọi nơi, mọi lúc.

 

Tài liệu  tham khảo:

[1] Số hóa: https://vi.wikipedia.org/wiki/Số_hóa

[2] History of Digital Transformation_ResearchGate

[3] Sự khác biệt giữa Số hoá và chuyển đổi số_Smart Factory

[4] Chương trình chuyển đổi số ngành thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030_Cổng TTĐT Chính phủ