TTCT – Bảng xếp hạng 61 nước đọc sách nhiều nhất có kể đến ba nước ở Đông Nam Á. Singapore xếp thứ 36, Malaysia xếp thứ 53 và Indonesia áp chót, đứng thứ 60. Tìm mỏi mắt không thấy có Việt Nam. Có thể hiểu là Việt Nam không có trong số 61 nước đọc sách nhiều nhất trên thế giới.
Công trình nghiên cứu này do một trường đại học Mỹ là Central Connecticut State University thực hiện. Họ thống kê một cách cụ thể và khoa học những nước “có chữ” nhất và đọc sách nhiều nhất.
Vị trí thứ 60 khiến ông bộ trưởng giáo dục và văn hóa Indonesia rất ưu tư. Công trình nghiên cứu còn chỉ rõ những yếu tố cơ bản tạo điều kiện cho việc đọc sách ở Indonesia không hề thấp, mà đứng thứ 34.
Như vậy là còn hơn cả điều kiện ở các nước Đức, Bồ Đào Nha, New Zealand và Hàn Quốc. Điều này cho thấy hiệu quả rất thấp của việc sử dụng điều kiện sẵn có để đọc sách. Số lượng thư viện, số lượng sách xuất bản, số lượng báo chí, thời gian dành cho văn học ở trường sở, máy tính và thư viện di động không nói lên được tình trạng thật của thói quen đọc sách.
Khoảng dăm năm trước, một nhà giáo dục Indonesia tỏ ý trách chính phủ nước mình về chính sách giáo dục, rồi bà nói thêm: trong các nước ASEAN, họa may giáo dục Indonesia chỉ hơn có Việt Nam mà thôi.
Người viết bài này nghe vậy thì cảm thấy có chút tổn thương trong lòng. Tổn thương vì khi ấy chưa có thông tin về xứ vạn đảo. Bà tự nhận là kém thì cứ việc, sao lại vẽ ra chuyện xếp trên nước khác. Người dễ tự ái là người ảo tưởng về mình và không hiểu về người xung quanh. Bây giờ, khi đã hiểu về đất nước Indonesia thì người viết không còn thấy bực mình nữa.
Việc đọc sách cũng vậy. Ai nói người Việt ham đọc tức là mới chỉ ra đến phố sách Tràng Tiền – Nguyễn Xí – Đinh Lễ ở Hà Nội, mới chỉ đến vài đường sách ở Sài Gòn.
Đến phố sách thì thấy quả là có nhiều người đọc sách. Nhưng có bao nhiêu người đọc sách thì ra đấy hết cả rồi. Còn nhìn phố phường hàng triệu người chen chúc ngoài kia thì mới thấy tỉ lệ đọc sách là rất thấp.
Vào bệnh viện mới thấy người ốm là rất nhiều. Nhưng không ai nhìn một bệnh viện đầy người ốm mà nghĩ đường phố ngoài kia chắc cũng chỉ toàn người ốm.
Từng có lúc người ta nói với học sinh rằng người Việt có tính hiếu học. Huyền thoại đấy. Ngày xưa bỏ công bỏ của bỏ sức đi học, mục đích là đỗ đạt sẽ được bổ làm quan, có quyền có thế có tiền có danh.
Như vậy học là để được thoát ly khỏi chốn chân lấm tay bùn, thoát khỏi cảnh nghèo. Học là có mục đích thực dụng. Cũng là mục tiêu thực tế, không có gì là dở. Ngày nay học cũng là có nhiều dụng ý nhiều toan tính. Cũng là thiết thực. Chỉ có điều học không hẳn là vì hiếu học, không hẳn coi học như một thói quen, một cái thú, một niềm yêu thích.
Ai nói học là một cái thú, xin hãy nhắc lại? Phản biện thì học là công cuộc lao lực bậc nhất, học là lao động, học là đổ mồ hôi sôi nước mắt và tra tấn trí não. Học bị coi là đối trọng của giải trí, xả hơi.
Ấy thế, đang bàn về tinh thần hiếu học. Một tinh thần yêu lao động. Đang làm một công trình nghiên cứu lớn, quay ra giải một bài toán nhỏ cũng là giải trí.
Đang viết một cuốn sách dày, chuyển sang viết một đoạn tản văn cũng là thư giãn. Đang cày cấy trồng trọt cho một vụ lúa, lúc nông nhàn ngồi đan lát cái rổ cái rá cũng là đổi gió. Những thứ với người khác bị coi là vất vả thì với người yêu lao động có khi nó là giải trí là thư giãn.
Đọc cũng thế, một khi đã thành thói quen, thành niềm yêu thích thì đọc không còn là lao lực phải cố gắng. Một ngày không đọc như một ngày không ăn, không đọc không chỉ là thiêu thiếu một cái gì, mà là không chịu nổi.
Nhưng tôi cũng đã có lần viết, người Việt hầu như đã mất thói quen tiêu dùng sản phẩm văn hóa. Phụ nữ có thể mất hàng giờ đến trung tâm mua sắm, có thể bỏ kha khá tiền mua túi xách ví đầm mỹ phẩm và các phụ kiện khác.
Đàn ông có thể tụ tập bia bọt trà lá với số tiền không hề nhỏ. Nhưng tiền ấy bảo họ trích một phần ra mua sách thì không. Không không là không. Tiền ấy bảo họ mua vé đi xem phim xem kịch, không không là không.
Vé cho thì đi xem, sách tặng thì đọc, xem và đọc xong thì cũng có thể thấy một cái gì trong ấy, nhưng tự mình đi mua thì xin lỗi.
“Không hình thành được thói quen tiêu thụ sản phẩm văn hóa” – nhiều nhà văn hóa khi nêu vấn đề này ra thường có ý trách. Đừng trách. Người viết bài này thì không có ý ấy. Có chăng thì cười đùa giễu cợt một tí, giễu người mà cũng cả tự giễu.
Tạo hóa ban cho toàn nhân loại tứ khoái, nhưng chỉ ban cho một thiểu số người ngũ khoái mà thôi. Đấy là cái khoái thứ năm, khoái cảm đọc sách. Chỉ rất ít người có khả năng mê sách, rất ít người có khả năng thu nhận được nhiều điều từ sách, vận dụng được từ sách. Không được trời cho cái khoái thứ năm, đấy là thiệt thòi, là đáng tiếc cho con người chứ đâu phải là đáng trách.
Nguồn: https://cuoituan.tuoitre.vn