Chuyển đổi số thư viện
Thư viện trong trường học, cơ sở giáo dục ĐH luôn được xem là “trái tim”, là nguồn cung cấp tri thức quý giá cho HS, SV bên cạnh bài giảng của thầy cô. Vì vậy, việc một “trái tim” khô khan, thiếu sức sống và đặc biệt là thiếu sức lan tỏa tinh thần học tập là điều rất khó để tiến tới xây dựng một nền giáo dục toàn cầu.
Thời gian qua, các cơ sở giáo dục, đặc biệt là trường ĐH đã và đang đầu tư mạnh mẽ cho “trái tim” tri thức của mình. Không chỉ đa đạng hóa kho tàng học liệu, nhiều trường không ngần ngại đầu tư hàng chục tỉ đồng để thực hiện cuộc cách mạng chuyển đổi số, tích hợp công nghệ cho thư viện.
Trường ĐH Tôn Đức Thắng (TDTU) có thư viện tích hợp công nghệ số hiện đại nhất Việt Nam. Thư viện có khoảng 115.000 đầu sách bao gồm bản in và điện tử, ngoài ra còn có hàng trăm triệu tài nguyên thông tin điện tử về học thuật và nghiên cứu toàn cầu và khu vực.
SV vào thư viện được kiểm tra bằng quét mã vạch, mã số. Việc tìm kiếm tài liệu nghiên cứu đều được áp dụng công nghệ số tự động, khi SV chọn xong sẽ nhận tài liệu tự động từ máy (với ấn phẩm sách giấy) còn với tài nguyên số, hệ thống sẽ phân loại và chuyển data dữ liệu mảng, lĩnh vực mà người truy xuất cần đến tận máy tính.
Theo lãnh đạo Trường ĐH Tôn Đức Thắng, sứ mệnh của TDTU INSPIRE Library là truyền cảm hứng nghiên cứu, học tập và khai phá năng lực tiềm ẩn trong mỗi giảng viên, học viên và SV. Vì vậy, không gian trong thư viện được thiết kế sáng tạo, tiện ích nhằm mang đến cho SV, giảng viên hệ sinh thái học thuật và nghiên cứu tốt nhất.
Tương tự, Trường ĐH Luật TPHCM từ nhiều năm nay bên cạnh thư viện truyền thống với hàng chục ngàn đầu sách nghiên cứu, nhà trường cũng xây dựng hệ thống thư viện số (thuộc Trung tâm thông tin – Thư viện) với hàng triệu đầu tài liệu mở sẵn sàng phục vụ SV, giảng viên.
Theo Thạc sĩ Ngô Hoàng Kim Nguyên – Phó Giám đốc Trung tâm thông tin – Thư viện Trường ĐH Luật TPHCM: Thư viện đã mua quyền truy cập cơ sở dữ liệu nước ngoài gồm CSDL Heinonline và Westlaw dành cho giảng viên, SV, học viên, nghiên cứu sinh của nhà trường sử dụng. Đây là cơ sở dữ liệu hàng đầu trên thế giới về pháp lý và được sử dụng phổ biến tại 150 quốc gia. Đối với CSDL Heinonline, đến nay chỉ có một vài trường ĐH đào tạo chuyên ngành luật mua quyền truy cập và riêng CSDL Westlaw hiện được Trường ĐH Luật TPHCM là nơi duy nhất mua quyền truy cập tại Việt Nam.
Trường ĐH RMIT có thư viện nằm trong tốp đầu những thư viện đẹp nhất, hiện đại nhất các trường ĐH trong nước. Không chỉ sở hữu không gian học tập và nghiên cứu đẳng cấp quốc tế, thư viện của Trường ĐH RMIT còn sở hữu diện tích khá lớn (hơn 1.423 m2) gồm bốn tầng với nhiều phòng đọc, phòng học tập nhóm, truy cập Internet, cùng trên 48.000 đầu sách in và sách điện tử.
Khi vào thư viện, SV sẽ nhận được các dịch vụ hỗ trợ như tìm kiếm thông tin và dịch vụ công nghệ thông tin, hỗ trợ tiếng Anh, kỹ năng tự học và các kỹ năng mềm khác một cách khéo kín toàn diện.
Định hình phương thức học tập
Theo Thạc sĩ Nguyễn Thị Thúy Hà – Giám đốc Trung tâm Thư viện Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM (HUFI), nhận thấy giá trị thư viện số mang lại cho SV, giảng viên rất lớn trong quá trình học tập và nghiên cứu. Nên trong hai năm qua, nhà trường đặc biệt quan tâm, đầu tư và xây mới thư viện.
Có tổng mức đầu tư 20 tỉ đồng, với hơn 10.000 đầu sách (các lĩnh vực Khoa học kỹ thuật, Công nghệ và Kinh doanh) cùng hệ thống tư liệu số mở kết nối với kho tri thức nhiều quốc gia trên thế giới, kết nối với hệ thống e-learning… thư viện HUFI sau khi đưa vào sử dụng đã thay đổi tư duy về thư viện của phần lớn SV trong trường.
Nguyễn Huy Hoàng – SV ngành Công nghệ sinh học, HUFI thừa nhận choáng ngợp khi bước chân vào không gian mới của thư viện. “Ngoài kho học liệu bản sách truyền thống, em còn dễ dàng truy xuất các nguồn tài liệu mới từ các kênh tương tác trên hệ thống thông tin của thư viện. Việc ứng dụng công nghệ số vào thư viện cùng không gian thoáng đãng, hiện đại mang đến cho SV cảm giác thoải mái khi học tập và nghiên cứu” – Hoàng nói.
Nhìn nhận việc số hóa thư viện mang lại những hiệu ứng rất tích cực cho việc học tập, nghiên cứu của SV, tuy nhiên, theo Thạc sĩ Ngô Hoàng Kim Nguyên – Phó Giám đốc Trung tâm thông tin – Thư viện Trường ĐH Luật TPHCM bên cạnh những thuận lợi trên vẫn còn một số rào cản nhất định: Vốn ngoại ngữ nhất định để truy xuất nguồn học liệu từ nước ngoài của nhiều SV chưa tốt.
Bên cạnh đó, việc học tập trên nền tảng số hóa đòi hỏi một số kỹ năng nhất định và SV cần phải tự trang bị, hoàn thiện phương pháp, cách thức tiếp cận phù hợp.
Việc số hóa thư viện giúp SV tốt hơn về kỹ năng nghiên cứu, đẩy mạnh tư duy sáng tạo trong NCKH nhưng để phát huy tốt hơn nữa việc tích hợp công nghệ số vào giảng dạy, học tập và nghiên cứu cho SV, giảng viên ở phương pháp học trực tuyến (thông qua kho dữ liệu khổng lồ trên thế giới), theo PGS.TS Nguyễn Xuân Hoàn- Hiệu trưởng HUFI, các trường cần gia tăng việc tương tác, thảo luận giữa SV và giảng viên trên nền tảng số.
Trong đó, điều quan trọng là thúc đẩy hơn nữa sự chủ động nơi SV, cũng như khả năng tiếng Anh cho các em để truy xuất nguồn học liệu quốc tế tốt và hiệu quả hơn.
“Để việc học và khai thác nguồn học liệu từ thư viện số hiệu quả, các giảng viên cần thường xuyên tương tác, dẫn nguồn tài liệu tham khảo cho SV tiếp cận liên quan đến môn học của mình thông qua kho thư viện số để có thể tham khảo. Bên cạnh đó, SV cũng cần có ý thức tổ chức, học nhóm và gửi các câu hỏi cho GV thường xuyên hơn để tăng tính tương tác” – Thạc sĩ Ngô Hoàng Kim Nguyên.
(Theo: Báo Giáo dục và thời đại)