Kết nối, hợp tác doanh nghiệp trong đào tạo tại các trường thuộc Bộ Công Thương
Theo đó, ngày 20/5, tại Trường Đại học Công nghiệp Việt – Hung, Câu lạc bộ Khối trường Đại học, Cao đẳng thuộc Bộ Công Thương thuộc Hiệp hội các Trường đại học, cao đẳng Việt Nam đã tổ chức chương trình kết nối doanh nghiệp, tọa đàm với chủ đề “Xây dựng hệ thống hợp tác đào tạo và định hướng triển khai sử dụng trong các trường thuộc Bộ Công Thương”. Sự kiện có sự tham gia của các thành viên câu lạc bộ và một số doanh nghiệp đang hoạt động tại Hà Nội.
PGS.TS. Nguyễn Xuân Hoàn- Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm Hồ Chí Minh, Chủ nhiệm Câu lạc bộ khối trường Đại học, cao đẳng thuộc Bộ Công Thương |
Phát biểu tại Tọa đàm, PGS.TS. Nguyễn Xuân Hoàn- Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm Hồ Chí Minh, Chủ nhiệm Câu lạc bộ khối Trường đại học, cao đẳng thuộc Bộ Công Thương – cho biết: Câu lạc bộ các trường đại học, cao đẳng của Bộ Công Thương đã có nhiều hoạt động hợp tác, chia sẻ, hỗ trợ nhau thông qua hình thức sử dụng chung nguồn lực của nhau, cụ thể như: Sử dụng chung đội ngũ của nhau, sử dụng chung cơ sở vật chất (phòng lab, phòng thực hành, thư viện điện tử, chia sẻ kinh nghiệm về học thuật, công nhận chương trình đào tạo của nhau… thế mạnh của mỗi trường là gì thì chúng ta hỗ trợ, chia sẻ thế mạnh đó điều này đã góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, mở rộng cơ hội hợp tác với các doanh nghiệp cho các cơ sở đào tạo của Bộ Công Thương trong thời gian vừa qua.
Điển hình như Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm với thế mạnh về thư viện điện tử, nhà trường đã chia sẻ cho các trường thuộc Bộ Công Thương để cùng sử dụng nguồn thông tin, dữ liệu tại đây.
Với hơn 10.000 đầu sách, tài liệu, các loại về các lĩnh vực văn hóa, xã hội, kinh tế chính trị… thư viện được quản lý bằng công nghệ RFID (Radio Frequency Identification) thông qua việc sử dụng phần mềm quản lý đồng bộ và hệ thống các trang thiết bị hiện đại. Năm 2020, Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP. HCM đã giành ngôi vị quán quân “Best University Library- Thư viện được yêu thích nhất”.
Chia sẻ kinh nghiệm trong hợp tác doanh nghiệp, đào tạo, NGND.TS Nguyễn Đức Trí- Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Việt – Hung cho biết: Với quan điểm “Sinh viên là khách hàng” và lấy phương châm “Vì người học và sự phù hợp” trong những năm qua nhà trường đã đưa ra các chủ trương, định hướng để phát triển đó là “Đổi mới để duy trì, sáng tạo đột phá để phát triển”. Theo đó chúng tôi đã củng cố hệ thống Hợp tác tuyển sinh-Đào tạo và sử dung được hiện thực hóa vào đào tạo các bậc trình độ theo khung trình độ quốc gia Việt Nam.
Trường Đại học Việt – Hung cũng đã thành lập các Trung tâm thuộc trường có tư cách pháp nhân, con dấu riêng và trung tâm thuộc khoa để kết nối sinh viên với doanh nghiệp và với thị trường lao động ở trong và ngoài nước. Đặc biệt, xây dựng Nhà trường định hướng doanh nghiệp cũng như đổi mới hoạt động giáo dục đào tạo theo hướng mở, linh hoạt.
Một câu hỏi đặt ra là nếu không có tiền đóng học phí thì sinh viên có cơ hội học đại học không? Trong khi nguồn thu của các trường là chủ yếu đến từ học phí. Trả lời câu hỏi này đối với Trường Đại học Công nghiệp Việt – Hung là hoàn toàn có thể. Nhà trường có chính sách cho sinh viên nợ học phí không quá 02 học kỳ liên tiếp, giúp sinh viên tìm kiếm việc làm để có thu nhập chi trả học phí.
Đại diện các Trường thuộc Câu lạc bộ Khối các Trường Đại học, Cao đẳng thuộc Bộ Công Thương |
“Sinh viên của nhà trường chủ yếu là đến từ các vùng nông thôn, nhiều gia đình có hoàn cảnh hết sức khó khăn, khó có tiền để đóng học phí, để giải quyết vấn đề này, sau khi Thủ tướng có quyết định phê duyệt Đề án 1665 về hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025 nhà trường đã kết nối và hợp tác với một số doanh nghiệp như Công ty Thông tin M1 để tạo việc làm và thu nhập cho các em, giúp các em trang trải học phí và sinh hoạt trong quá trình đi học”, TS. Nguyễn Đức Trí chia sẻ.
Còn tại Trường Đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội, nhà trường hợp tác với doanh nghiệp theo 03 nội dung: Đào tạo, nghiên cứu khoa học công nghệ và hoạt động khác. “Đối với đào tạo, chúng tôi hợp tác trong công tác xây dựng, thẩm định chương trình đào tạo; Biên soạn và thẩm định giáo trình; Hướng dẫn sinh viên thực tập, thực hành…
Đặc biệt là đào tạo theo nhu cầu. Với hơn 14.000 doanh nghiệp dệt may đang hoạt động tại Việt Nam mỗi một doanh nghiệp có những yêu cầu chất lượng đào tạo khác nhau, lĩnh vực khác nhau, mô hình khác nhau… chúng tôi đào tạo theo từng nhu cầu và đơn “đặt hàng” của từng doanh nghiệp, học viên sau khi hoàn thành khóa đào tạo có thể làm việc ngay và đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp”, TS. Hoàng Xuân Hiệp chia sẻ.
PGS.TS. Đinh Văn Châu- Quyền Hiệu trưởng Trường Đại học Điện lực cho biết, là một trường tự chủ hoàn toàn thuộc Bộ Công Thương, cùng với công tác đào tạo, hợp tác nghiên cứu khoa học, hiện trường đã tham gia sâu vào công tác tham vấn, xây dựng chính sách phát triển năng lượng cho ngành và các địa phương.
Trong thời gian gần đây, Trường Đại học Điện lực đã chú trọng đẩy mạnh quá trình hợp tác với các doanh nghiệp trong và ngài nước thông qua việc tổ chức các Hội thảo nghề nghiệp, tư vấn hướng nghiệp, Hội thảo việc làm, Tổ chức các ngày hội việc làm… đặc biệt là để nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học, tư vấn chính sách và để có định hướng trong công tác đào tạo… Nhà trường đã xây dựng và tổ chức các chương trình Hội thảo, diễn đàn chuyên ngành mang tầm quốc gia với sự tham gia của nhiều chuyên gia trong và ngoài nước đến dự.
Tại góc độ doanh nghiệp, ông Hoàng Dũng- Giám đốc Công ty Cổ phần tư vấn và tích hợp công nghệ D&L – chia sẻ về băn khoăn về bản quyền, quyền sở hữu sẽ thuộc về bên nào… trong hoạt động hợp tác về nghiên cứu khoa học công nghệ, xây dựng giáo trình… Ông Hoàng Dũng cũng đánh giá cao sự hợp tác chia sẻ kinh nghiệm, cơ sở vật chất giữa các trường và đơn vị kỳ vọng sẽ có những chương trình hợp tác sâu hơn nữa đối với các cơ sở đào tạo thuộc Bộ Công Thương.
Trong khi đó ông Trần Quang Huy- Tổng giám đốc Công ty CP Công nghệ và dịch vụ EPR, một đơn vị công nghệ đại diện cho Câu lạc bộ Viện trường Doanh nghiệp- Hiệp hội các trường đại học và cao đẳng Việt Nam muốn hợp tác với các trường của Bộ Công Thương trong lĩnh vực công nghệ thông tin, chuyển đổi số. Doanh nghiệp sẵn sàng hợp tác với nhà trường trong công tác đào tạo nhân lực chất lượng cao cho lĩnh vực này, dựa trên tài nguyên của doanh nghiệp là các đơn hàng mà IIG ký kết thực hiện với hơn 300 đối tác, khách hàng trong và ngoài nước.
Tại buổi Tọa đàm, đại diện Ban lãnh đạo Hiệp hội các Trường đại học, cao đẳng Việt Nam đã tiếp thu các ý kiến kiến nghị của các trường tại buổi tọa đàm. Đại diện lãnh đạo Hiệp Hội cũng đã đánh giá cao vai trò của câu lạc bộ khối các trường đại học, cao đẳng thuộc Bộ Công Thương đã có nhiều đóng góp sau 5 năm tham gia vào Hiệp hội.
“Với 24 câu lạc bộ trong hiệp hội, trong đó câu lạc bộ của Bộ Công Thương thành lập 2017, sau 5 năm hoạt động câu lạc bộ đã tổ chức nhiều hội thảo, tọa đàm tại các trường: Đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội, Đại học Điện lực, Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP. Hồ Chí Minh, Đại học Công nghiệp Việt – Hung, Đại học Công nghiệp Quảng Ninh, đến nay câu lạc bộ đã quy tụ được hết các trường thuộc Bộ Công Thương. Tọa đàm ngày hôm nay chúng tôi thấy nội dung và chủ đề rất thiết thực, việc kết nối với doanh nghiệp ngày càng chặt chẽ sẽ góp phần giúp các trường đạt được mục tiêu đào tạo theo hướng ứng dụng”, đại diện Hiệp hội chia sẻ.
Lễ ký kết hợp tác giữa Công Ty CP Tư vấn và Tích hợp Công nghệ D&L với Trường Đại học Công nghiệp Việt- Hung. |
Tại tọa đàm, các doanh nghiệp đã tham gia ký kết biên bản thỏa thuận hợp tác với các trường trong câu lạc bộ Khối các Trường đại học, cao đẳng thuộc Bộ Công Thương.
Nguồn: Thu Hường – Lan Hương, 2022, Báo Công thương
(https://congthuong.vn/ket-noi-hop-tac-doanh-nghiep-trong-dao-tao-tai-cac-truong-thuoc-bo-cong-thuong-178295.html)