Sáng ngày 4/10, Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, Hội Thư viện và Hội Tin học Việt Nam cùng 2 câu lạc bộ thuộc Hội Tin học tổ chức hội thảo về “Xây dựng và khai thác tài nguyên giáo dục mở”.
Xây dựng, khai thác tài nguyên giáo dục mở: Trả phí hay miễn phí?
Sáng ngày 4/10, Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, Hội Thư viện và Hội Tin học Việt Nam cùng 2 câu lạc bộ thuộc Hội Tin học tổ chức hội thảo về “Xây dựng và khai thác tài nguyên giáo dục mở”.
Tài nguyên giáo dục mở, phải có cơ chế mở
Tài nguyên giáo dục mở là gì? TS Vũ Ngọc Hoàng, Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH,CĐ Việt Nam cho biết, nhiều ý kiến đã tương đối thống nhất cho rằng tài nguyên giáo dục mở là những tài nguyên dùng để dạy, học và nguyên cứu khoa học, không phải trả chi phí và không có rào cản trong truy cập, được cấp phép mở và được tự do sử dụng thông tin, kể cả được biến tấu cho phù hợp với ý định của người sử dụng.
Ý kiến khác lại giới hạn đó là những tài nguyên gắn với công nghệ thông tin, liên quan đến dữ liệu, phần mềm và kết nối để giúp cho việc dạy và học, tự học và học tập suốt đời.
Các nội dung trên đây thể hiện đặc trưng của khái niệm tài nguyên giáo dục mở. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng nói thế chưa đầy đủ. Có những tài nguyên thông tin tuy không được truy cập miễn phí, không được ai bao cấp, nhưng lại có giá trị rất quan trọng đối với giáo dục mở!
Nếu giới hạn trong phạm vi được sử dụng miễn phí thì sẽ hạn chế khả năng tạo ra kho dữ liệu thông tin vì bị giới hạn bởi nguồn tài chính đầu tư không thu hồi.
Theo TS Vũ Ngọc Hoàng, mặc dù CNTT với sự kết nối trong thời đại công nghiệp 4.0 có vai trò vô cùng quan trọng, sẽ làm thay đổi căn bản phương thức hoạt động của con người, kể cả nhiều quan niệm truyền thống về trường học, thư viện, giảng đường, lớp học, bảng phấn, sách giáo khoa và cách thức tương tác giữa thầy và trò… cũng sẽ thay đổi.
Một người thầy giỏi cộng với CNTT sẽ thay thế cho hàng trăm, hàng nghìn người thầy khác. Thông tin khi được kết nối và tương tác nhau sẽ sản sinh ra các thông tin mới, và cứ thế tăng lên theo cấp số nhân, tiếp tục bổ sung vào kho dữ liệu của tài nguyên thông tin phục vụ giáo dục.
Tuy nhiên, tài nguyên giáo dục mở không chỉ liên quan đến CNTT mà còn rộng hơn thế nữa. Cơ chế về tự do học thuật dù có thể không gắn với CNTT và truy cập miễn phí nhưng theo nghĩa nào đó thì nó vẫn là tài nguyên hết sức quan trọng của nền giáo dục mở. Còn việc cấp phép mở thì tùy thuộc yêu cầu và nội dung thông tin, cái gì cần mở thì sẽ tiếp tục cấp phép.
Vì vậy, tài nguyên giáo dục mở cần được hiểu rộng hơn – đó là những thể chế, cơ chế, quy định, thiết chế và cách thức tiếp cận tri thức, tiếp cận thông tin cũng như các nguồn lực để tạo điều kiện tốt nhất cho việc phát triển con người và phát triển giáo dục. Tất nhiên thể chế và cơ chế đó phải tốt, phải mở, thì mới là tài nguyên giáo dục mở.
TS Vũ Ngọc Hoàng cho rằng, nếu hiểu tài nguyên giáo dục mở như ý kiến vừa nêu thì nội hàm và phạm vi rất rộng, đồng thời có thể có sự nhầm lẫn giữa điều kiện và tài nguyên.
Nhưng ý kiến nói trên lại tranh luận rằng, tài nguyên giáo dục khác với các tài nguyên khoáng sản vật chật, vì tài nguyên giáo dục mở không nằm yên, mà vận động không ngừng. Do đặc điểm ấy nó phải gắn với thể chế, cơ chế như hai là một.
Cơ sở vật chất hoặc nguồn lực tài chính cho giáo dục là một phạm trù nằm ngoài tài nguyên giáo dục mở. Còn tài nguyên giáo dục mở chủ yếu là thông tin, dữ liệu và những giá trị phi vật thể khác.
Với tư duy của khoa học ngày nay, phần giá trị mà người ta gọi là vốn xã hội được coi là yếu tố quan trọng bậc nhất. Đó cũng là chất xám, là nguồn lực mềm, là tài nguyên không cạn kiệt. Tuy không phải là vật chất nhưng nó có khả năng tạo ra sức mạnh vật chất to lớn, nếu như biết xây dựng và khai thác nó một cách khoa học.
Tài nguyên giáo dục mở còn là cầu nối và cách thức để sử dụng có hiệu quả tài nguyên thông tin – thứ tài nguyên vô tận, càng sử dụng càng được bổ sung tích lũy và tăng lên liên tục (chứ không giảm đi).
Mọi thứ tài nguyên vật chất dù nhiều đến bao nhiêu thì cũng đều có giới hạn. Chỉ có tài nguyên thông tin là vô hạn và ngày càng tăng thêm, không chỉ riêng của VN mà còn sử dụng tài nguyên chung của cả nhân loại.
Mỗi trường đại học là một trung tâm giáo dục tinh hoa
TS Vũ Ngọc Hoàng cho biết, theo cách hiểu như đa số các nhà nghiên cứu đã thống nhất thì tài nguyên giáo dục mở sẽ bao gồm: Các kho thông tin, các nguồn dữ liệu phục vụ giáo dục; các chương trình giáo dục khác nhau, đa dạng; các loại sách chứa đựng những nội dung thông tin theo tinh thần tự do học thuật, sách giáo khoa điện tử và các loại học liệu mở;
Đồng thời là các phương tiện dịch thuật để giúp người đọc vượt qua rào cản ngôn ngữ; hệ thống thư viện mở (nhất là thư viện điện tử) dùng chung và các phần mềm kết nối truy cập trong cộng đồng giữa các trường, các đơn vị và tổ chức, kể cả giữa các nước; ngân hàng đề thi và các hướng dẫn để tự đánh giá, thi cử, tự kiểm định chất lượng; cấp phép mở và các quy định về trách nhiệm cung cấp, chia sẽ thông tin và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của tác giả…
Chính vì vậy, TS Hoàng cho rằng, khi nói đến tài nguyên giáo dục mở thì thường gắn với giáo dục đại chúng và văn hóa đọc. Ngày xưa nhiều lúc không biết đọc gì vì không có gì để đọc. Ngày nay, nhiều lúc cũng không biết đọc gì vì có quá nhiều thứ để đọc. Với một khối lượng thông tin khổng lồ mà thời gian thì có hạn, làm sao để người học có thể tiếp cận được nhanh và nhiều nhất những giá trị tinh hoa. Ở đây muốn lưu ý đến giáo dục tinh hoa.
Giáo dục đại chúng đương nhiên là rất cần. Nhưng mặt khác, trong giáo dục đại học, phần giáo dục tinh hoa là trụ cột hết sức quan trọng, nó khám phá và khai mở đến tận cùng, làm bệ đỡ bền vững và tạo sự lan tỏa sâu rộng cho lâu dài.
Xã hội rất cần mỗi trường đại học đồng thời là một trung tâm giáo dục tinh hoa, để từ đó mà góp phần đáng kể tạo ra tầng lớp trí thức tinh hoa cho dân tộc.
Yêu cầu ấy đòi hỏi phải có cách tiếp cận tốt, biết chọn lựa, chắc lọc và chưng cất thông tin, gắn với các sinh hoạt học thuật đẳng cấp cao. Đó cũng là một vấn đề liên quan đến việc khai thác sử dụng tài nguyên giáo dục mở.
Buổi chiều ngày 04/10 là Phiên các tiểu ban chuyên môn gồm có:Tiểu ban 1: Giải pháp hạ tầng và an toàn/ an ninh hệ thống cho tài nguyên giáo dục mởTiểu ban 2: Tài nguyên giáo dục mở với hệ thống thư viện Việt NamTiểu ban 3: Giới thiệu và demo khai thác tài nguyên giáo dục mở Trong buổi Hội thảo được tổ chức tại Đại Học Thăng Long lần này, Công ty D&L hân hạnh mang đến các giải pháp hạ tầng và an toàn/ an ninh hệ thống cho tài nguyên giao dục mở, bao gồm Pamair : Bản đồ dữ liệu mở theo dõi diễn biến chất lượng khôg khí và các Phần mềm thư viện quản lý và tìm kiếm nguồn tài nguyên dữ liệu mở, …
(Theo: dantri.com.vn)