Sáng ngày 02/12/2014, Thư viện Tạ Quang Bửu đã kết hợp với Công ty Cổ phần Tư vấn và Tích hợp Công nghệ D&L và công ty Samsung tổ chức hội thảo “Giải pháp quản trị thư viện hiện đại” với mong muốn đưa đến các nhìn nhận, đánh giá về các giải pháp phần mềm quản lý thư viện hiện đại trong và ngoài nước đang phổ biến trên thị trường Việt Nam hiện nay.
Tới dự hội thảo có PGS. TS Phạm Hoàng Lương – Phó Hiệu trưởng trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, ông Phạm Thế Khang – Chủ tịch Hội thư viện Việt Nam, Ths. Kiều Thúy Ngà – PGĐ Thư viện Quốc gia Việt Nam, Ths. Nguyễn Văn Thiên – Trưởng khoa Thông tin Thư viện – ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn – ĐHQGHN,.. cùng đông đảo các cán bộ thư viện đến từ Trung tâm Thư viện, Viện nghiên cứu và các bộ ban ngành cà các trường đại học trên cả nước.
Hội thảo tập trung trình bày và trao đổi những cái nhìn tổng quan cũng như các đánh giá về tính năng một số phần mềm đang được sử dụng hiện nay tại Việt Nam cũng như sự chia sẻ các vướng mắc, khó khăn trong quá trình sử dụng phần mềm mà một số thư viện đang gặp phải, từ đó định hướng các giải pháp quản trị thư viện hiện đại trong tương lai.
Với tư cách là đơn vị có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tư vấn và cung cấp các giải pháp phần mềm thư viện, thay mặt Công ty Cổ phần Tư vấn và Tích hợp Công nghệ D&L, ông Hoàng Dũng đã chia sẻ với hội thảo 2 bài tham luận về “Tổng quan và so sánh các phần mềm quản trị thư viện tích hợp” và “Bộ giải pháp phần mềm quản trị thư viện tổng thể”.Theo đó, từ việc phân tích, so sánh tổng quan các tính năng và thực trạng áp dụng một số phần mềm quản trị thư viện như Ilib (CMC), Libol (Tinh Vân), Verbrary (Lạc Việt), Virtual (VTLS), Millennium, Content Pro (Innovative); Koha, Dspace (D&L); Alelp, Alma (Ex Libris)… tác giả đã đưa ra các góc nhìn khác nhau trong việc áp dụng và khai thác các giải pháp quản lý thư viện này tại Việt Nam.
Trong tham luận thứ hai, tác giả đã giới thiệu với hội thảo Bộ giải pháp phần mềm quản trị thư viện tổng thể. Bộ giải pháp này là sự kết nối và tích hợp chặt chẽ của 4 yếu tố bao gồm: PMTV tích hợp quản lý tài nguyên truyền thống Koha, phần mềm quản lý tài nguyên số Dspace, phần mềm tìm kiếm tập trung Vufind và cổng thông tin thư viện Drupal. Qua đó, tham luân đã giới thiệu cho đại biểu thấy được giá trị và những lợi ích thiết thực mà bộ giải pháp đem lại bao gồm tính bền vững, tính hội nhập quốc tế, dễ tùy biến, dễ triển khai và đặc biệt là tiết kiệm tối đa các chi phí bản quyền phần mềm cho người sử dụng.
Cũng trong buổi hội thảo, Thư viện Tạ Quang Bửu và Công ty SamSung cũng đã trình bày về tình hình khai thác và sử dụng phần mềm quản lý tài nguyên số và các giải pháp màn hình thông minh, thư viện thông minh của mình.
Sau khi các bài tham luận được trình bày, hội thảo cũng đã dành khá nhiều thời gian để mọi người trao đổi, thảo luận cũng như chia sẻ các kinh nghiệm thực tiễn áp dụng phần mềm thư viện tại 1 số đơn vị.
Kết thúc buổi hội thảo, ông Phạm Thế Khang – Chủ tịch Hội Thư viện Việt Nam đã có đôi lời phát biểu, gửi lời cảm ơn đến phía Thư viện Tạ Quang Bửu, Công ty cổ phần tư vấn và tích hợp công nghệ D&L và công ty SamSung đã tổ chức một buổi hội thảo hết sức ý nghĩa. Qua đây, ông cũng đánh giá và nhìn nhận bộ giải pháp phần mềm quản trị thư viện mà D&L mang đến hội thảo là bộ giải pháp cung cấp đầy đủ các tính năng cần thiết cho một thư viện hiện đại, phù hợp với với nhu cầu và tình hình thực tiễn của các thư viện cả về chi phí và cũng như các giá trị sử dụng. Từ đó, Ông mong muốn và hy vọng rằng các thư viện sẽ ứng dụng bộ giải pháp này để tăng cường hiệu quả quản lý cũng như khai thác sử dụng các sản phẩm dịch vụ thông tin thư viện phục vụ bạn đọc, từ đó góp phần thúc đẩy sự phát triển hệ thống thư viện các trường Đại học nói riêng và hệ thống thư viện Việt Nam nói chung.
Hội thảo đã diễn ra thành công tốt đẹp và kết thúc vào hồi 12h 00 cùng ngày.