HỘI NGHỊ TẬP HUẤN TRỰC TUYẾN “NÂNG CAO NĂNG LỰC CHUYỂN ĐỔI SỐ VÀ QUẢN TRỊ THƯ VIỆN SỐ”

Nhằm phổ biến mạnh mẽ các Chương trình Chuyển đổi số ngành thư viện và giúp các thư viện có thể  thấu hiểu và nâng cao kĩ năng trong việc ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số trong lĩnh vực thư viện và góp phần nâng cao năng lực hoạt động của các thư viện, hình thành mạng lưới thư viện hiện đại; trong 02 ngày 14-15/10/2021, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Hội nghị tập huấn trực tuyến “Hướng dẫn thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật mới trong lĩnh vực thư viện và nâng cao năng lực chuyển đổi số và quản trị thư viện số” tại hơn 150 điểm cầu của 63 tỉnh/thành phố trên trên toàn quốc.

Tham dự Hội nghị có sự góp mặt hơn 300 đại biểu là lãnh đạo và công chức được phân công chỉ đạo, theo dõi công tác thư viện và các thư viện công cộng cấp tỉnh. Đó là Lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch; Công chức của Sở được phân công theo dõi công tác thư viện; Lãnh đạo và cán bộ chuyên môn của hệ thống thư viện công cộng cấp tỉnh…các đại biểu cũng đóng góp nhiều ý kiến thiết thực nhằm làm rõ hơn thực trạng của các thư viện hiện nay và những thuận lợi khó khăn khi tiến hành chuyển đổi số ở các thư viện….

Các nội dung trong buổi tập huấn bao gồm:

  • Tổng quan chuyển đổi số và những nội dung cơ bản của chuyển đổi số;
  • Những vấn đề cơ bản trong chuyển đổi số và số hóa tài liệu thư viện;
  • Cơ hội và thách thức đối với chuyển đổi số trong hoạt động thư viện ở Việt Nam;
  • Nội dung cơ bản trong xây dựng và quản trị thư viện số.

Trong hội nghị, việc xây dựng và quản trị thư viện số được TS. Nguyễn Văn Thiên, Khoa Thông tin Thư viện, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội đặc biệt nhấn mạnh. Theo TS. Nguyễn Văn Thiên những vấn đề chính cần lưu ý gồm hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông, tài liệu số, nhân lực và vấn đề bản quyền. Trong một thư viện truyền thống, quyền sở hữu tài liệu là quan trọng, nhưng trong lĩnh vực lưu hành tài nguyên điện tử, quyền sở hữu trí tuệ, cụ thể là quyền tác giả hay bản quyền còn quan trọng hơn. Trích lời TS: “Để tiến hành xây dựng thư viện số, các cơ quan, thư viện cần thực hiện nghiêm túc các vấn đề liên quan đến bản quyền và quyền sở hữu trí tuệ đối với tài liệu số. Vấn đề bản quyền và quyền sở hữu trí tuệ cần được xem xét từ các phương diện chính như: quyền hợp pháp để thư viện được phép quản trị, phổ biến tài liệu; quyền hợp pháp của người dùng tin đối với tài liệu được thư viện số cung cấp…”.

Thông qua Hội nghị tập tuấn lần này, các cán bộ tham gia có thể thấu hiểu và nâng cao kỹ năng tổ chức các hoạt động ứng dụng mạnh mẽ, toàn diện công nghệ số trong lĩnh vực thư viện góp phần nâng cao năng lực hoạt động của các thư viện, hình thành mạng lưới thư viện hiện đại; bảo đảm cung ứng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu của người sử dụng; thu hút đông đảo người dân quan tâm, sử dụng dịch vụ thư viện, góp phần nâng cao dân trí, xây dựng xã hội học tập.

                                                                                                                                                           Nguồn: Tổng hợp

Tags: DLCorp, Lima, Smart library, thư viện, Thư viện thông minh