Hồ Chí Minh với văn hóa đọc sách

Vấn nạn lớn nhất của nước ta hiện nay không phải là kinh tế; vấn đề mang tính lâu bền và gốc rễ hơn nhiều là văn hóa. Văn hóa mới là cốt lõi của mọi vấn đề. Vấn đề kinh tế dễ giải quyết hơn, mặc dù phát triển kinh tế là khó, nhưng không phải không thể làm được. Một khi nước ta đã hội nhập vào quốc tế thì dù sớm dù muộn chúng ta cũng phải chấp nhận các luật chơi chung, phải thay đổi để thích ứng với các điều kiện của sân chơi quốc tế… Cái khó hơn nhiều là xây dựng một nền văn hóa dân tộc có chiều sâu. 

Nền văn hóa của một đất nước chắc chắn phải dựa trên nền tảng giáo dục. Nền giáo dục của chúng ta hiện nay, như tất cả chúng ta đều thấy, đang gây bức xúc lớn trong xã hội. Chính nền giáo dục đó đã không xây dựng được một nền văn hóa đọc.

Bên cạnh đó, thế hệ trẻ hiện nay bị văn hóa nghe nhìn lôi cuốn mạnh hơn là văn hóa đọc. Ai cũng biết văn hóa nghe nhìn nặng về tính thông tin và giải trí nhưng nhẹ về tính giáo dục và tri thức. Văn hóa đọc thì ngược lại. Văn hóa nghe nhìn và văn hóa đọc bổ sung cho nhau, không loại trừ nhau. Ở các nước có một nền giáo dục lành mạnh, văn hóa đọc sẽ giành lại được vị trí của mình. 

Đối với một con người, sự học không chỉ dừng lại ở trường phổ thông, mà phần rất quan trọng là tự học, mà trong việc tự học thì đọc sách là quan trọng nhất.

Trong bài nói chuyện tại hội nghị chuyên đề sinh viên quốc tế bác tâm sự: “ Về văn hóa tôi chỉ học hết tiểu học, về phổ thông: 17 tuổi tôi mới nhìn thấy ngọn đèn điện đầu tiên, 20 tuổi mới nghe radio lần đầu”. Vậy mà người đã có một trí tuệ phi thường, một sự hiểu biết đáng khâm phục, như nhà nghiên cứu Vasiliep đã nhận xét: “Hiếm có chính khách nào của thế kỉ XX có thể sánh được với Hồ Chí Minh về trình độ học vấn, tầm hiểu biết rộng lớn và sự thông minh trong cuộc đời”.

Đạt được tầm hiểu biết ấy là nhờ Hồ Chủ tịch đã không ngừng học tập, nói đúng hơn là không ngừng tự học. Khi nói chuyện với các đảng viên hoạt động lâu năm, Hồ Chủ tịch đã tâm sự : “Tôi năm nay 71 tuổi, ngày nào cũng phải học…không học thì không theo kịp, công việc nó sẽ gạt mình lại ở phía sau”. Với Bác, nguyên lý và phương thức học được tóm gọn trong mấy câu sau: “Học ở trường, học trong sách vở, học lẫn nhau và học dân”.

Kế thừa truyền thống ham đọc sách của dân tộc và gia đình, Hồ Chủ tịch đã luôn coi trọng sách báo. Nhưng với Người, đọc sách không chỉ đơn thuần là để giải trí hay để giải quyết các công việc sự vụ, nâng cao các hiểu biết thông thường. Người đọc chủ yêú là để phục vụ cách mạng với niềm khao khát tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành. Niềm ham muốn khao khát ấy đã đi theo Bác suốt cuộc đời, chi phối mọi hoạt động của Người.

Theo Bác, bất kể làm công việc gì cũng cần phải đọc sách. Người mới học chữ cần đọc để nhớ mặt chữ, người làm công an cần đọc để nắm tình hình. Những người làm công việc chuyên môn cần phải đọc để nâng cao trình độ. Người làm quản lý lãnh đạo cần phải đọc để quản lý, lãnh đạo tốt hơn. Làm nhà báo, nhà văn lại càng phải đọc. Bác đã đọc rất nhiều sách báo, và cuối cùng cũng nhờ nó mà Bác đã tìm ra con đường cứu nước, cứu nhân dân và hình ảnh: “Lệ Bác Hồ đã rơi trên chữ Lênin” đã đi vào lịch sử của dân tộc. 

Một đứa trẻ được nuôi dưỡng tâm hồn bằng những câu chuyện cổ tích bà kể, cho đến lúc trưởng thành, sách luôn là cánh cửa rộng mở những chân trời kiến thức, là vốn sống, là những những gì chân thực, sống động mà ở đó, trong mỗi chúng ta sẽ được nhìn lại, và được nhìn thấy những chân trời xa hơn! 

                                                                                                                                                     PT Theo http://vksdanang.gov.vn

Tags: DLCorp, Lima, Smart library, thư viện, Thư viện thông minh